18 tháng dịch bệnh toàn cầu đã thay đổi nhiều mặt cuộc sống, trong đó, Thung lũng Silicon buộc phải chấm dứt sự ám ảnh với tối ưu hóa công việc.
Thế giới vẫn đang đối mặt với những nguy cơ từ các biến chủng nCoV ngày càng nguy hiểm, cùng nhiều hạn chế trong bối cảnh tốc độ tiêm vaccine chững lại. Hy vọng mọi thứ trở lại bình thường đã được thay thế bằng hy vọng tìm thấy trạng thái bình thường mới sau đại dịch.
Nhiều thứ trong ngành công nghệ cũng thay đổi, trong đó có nỗ lực tối ưu hóa công việc hàng ngày của ngành công nghệ, khi những phương pháp làm việc cũ không còn tác dụng trong thời kỳ mới.
Khủng hoảng “không thiết yếu”
Trong đại dịch Covid-19, nhân lực ngành công nghệ đã chuyển sang làm việc từ xa, cho thấy bản chất “không thiết yếu” của lĩnh vực này so với những ngành như chăm sóc y tế, phân phối hàng hóa và bảo đảm cơ sở hạ tầng. Điều này cũng khiến nhiều người tự hỏi tại sao lại tốn nhiều thời gian và tài năng để theo đuổi những công việc không thực sự thiết yếu.
Các bậc cha mẹ chịu thêm gánh nặng chăm sóc con cái và bảo đảm học tập từ xa giữa những lệnh phong tỏa, khiến họ đánh giá liệu cuộc sống có nên tiếp tục xoay quanh công việc nữa hay không. Những người mới bắt đầu sự nghiệp cũng dành thêm thời gian cho những dự án sáng tạo và phát triển kỹ năng, thay vì chỉ chạy theo công việc theo giờ hành chính.
Văn hóa vội vã đặc trưng của Thung lũng Silicon không còn nhiều ý nghĩa với những người từng coi phương châm làm việc là “luôn tối ưu hóa”. Sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc đã biến mất, khiến nhiều người nghĩ lại ý nghĩa của công việc với cuộc sống. Sự ám ảnh với tối ưu hóa đã bị thay thế bằng nỗ lực tăng cường kiểm soát bản thân và sự linh hoạt trong công việc.
Những nhân lực công nghệ thế hệ mới
Một thế hệ nhân lực công nghệ mới đang xuất hiện. Họ chú trọng nhiều hơn đến năng lực bản thân, cũng như cách công việc hòa trộn vào cuộc sống thường ngày như thế nào. Họ không coi thường công việc, nhưng cũng không còn coi công việc là trung tâm cuộc sống nữa.
Họ không muốn bị gắn chặt với chiếc bàn và thiết bị làm việc nữa. Một số người muốn trở lại văn phòng, số khác muốn làm việc tại nhà, không ít người muốn cả hai phương án. Họ cũng không muốn gắn bó hoàn toàn với một doanh nghiệp về lâu dài, ngày càng công khai tìm kiếm những vai trò phù hợp với giá trị và thời gian biểu của cá nhân.
Họ xuất hiện ở mọi tầng lớp trong ngành công nghệ, từ kỹ sư phần mềm đến các nhóm bán hàng, từ dịch vụ khách hàng đến cố vấn tập đoàn, nhà quảng cáo và quản lý cho đến lãnh đạo công ty. Nhiều doanh nghiệp quá tập trung vào năng suất làm việc đang đối mặt với vấn đề lớn và khó giải quyết, đó là giữ chân những người không muốn chôn chân một chỗ.
Hướng đi tương lai
Khảo sát nhân lực tại Mỹ được hãng Prudential tiến hành cho thấy 25% nhân công muốn đổi công việc sau khi đại dịch kết thúc. Điều này đặt ra nhiệm vụ khổng lồ cho các doanh nghiệp muốn tuyển dụng và giữ chân nhân tài, đó là giữ vững kỳ vọng và ưu tiên của công ty, đồng thời tạo ra văn hóa ủng hộ động lực phát triển công việc.
Có 4 giải pháp được đưa ra để thực hiện mục tiêu này.
Đầu tiên là theo dõi kết quả, thay vì tập trung vào giới làm việc. Các nhân công đã thay đổi đáng kể tiến độ công việc. Họ không trở nên lười nhác, mà lựa chọn kỹ càng phương án tận dụng thời gian làm việc. Những công ty khôn ngoan nên ngừng theo dõi giờ làm việc và chú ý tới những gì họ làm được.
Ủng hộ tích hợp công việc vào cuộc sống. Sự phân chia giữa công việc và cuộc sống đã biến mất. Nhân lực giờ đây không nghĩ tới cân bằng giữa hai thế giới này, mà họ tìm cách tích hợp công việc một cách hiệu quả vào cuộc sống của mình. Để giành được nhân viên tài năng và giữ chân người giỏi, các công ty không thể xâm phạm những yếu tố được người lao động đề cao như gia đình và mục tiêu cá nhân. Họ nên thể hiện sự linh hoạt, cho thấy khả năng tích hợp công việc vào cuộc sống của người lao động.
Thay đổi những phần thưởng mang tính khuyến khích bằng cách đầu tư vào nhân viên. Đầu tư vào những ưu đãi như nghỉ phép linh hoạt, hỗ trợ chăm sóc trẻ em và người già, giúp giảm gánh nặng cho nhân viên sẽ mang lại nhiều kết quả hơn các khoản thưởng dựa trên thành tích ngắn hạn.
Sự ám ảnh với tối ưu hóa công việc ở Thung lũng Silicon không thể đáp ứng với những gì diễn ra sau Covid-19. Các nhà tuyển dụng sẽ phải tìm cách loại bỏ những văn hóa lạc hậu trong môi trường làm việc, mở ra những con đường tốt hơn nếu muốn tiếp tục thu hút nhân tài cho doanh nghiệp.